Một lần thủng săm (ruột) xe, tôi được chú sửa xe ở Quận 12 chỉ dẫn cho cách chọn ruột, bảng phân cấp và giá cả các loại xăm xe. Tôi giật mình. Sao chú lại chỉ dẫn cho mình cặn kẽ vậy nhỉ? Theo bạn -chỉ ra vấn đề của khách hàng có phải vẽ đường cho hươu chạy không? Trong làm ăn, bật mí nghề nghiệp như vậy có ngu không? Vâng. Ngu – ngu – ngu quá. Ngu đến nhận tiền lâu dài luôn.
MẤT TIỀN OAN VÌ ĐỤNG XĂM ĐỂU
Hồi đó, tôi hay học các lớp kinh doanh ở gần Ngã tư Hàng Xanh. Lúc ra về thường 21h – 22h tối. Chạy được một đoạn thì xe bị thủng. Tôi phải ghé tiệm sửa xe dọc đường để vá.
Người sửa bảo tôi không vá được, phải thay ruột. Thợ báo giá 70 ngàn. Thấy tôi ngập ngừng, thợ bảo “thay cho anh ruột xịn của hàng Casumina. Cái này bền lắm, đi vô tư. Lúc đó, tôi chả biết ruột tốt xấu gì. Chỉ thấy hơn 10 giờ đêm rồi, dù thế nào cũng phải thay đi cho nhanh còn về.
Tôi đi được một đoạn đến chợ Bà Chiểu, xe lại hết hơi. Tôi không hiểu sao mới thay ruột lại lũng nữa.Tôi đành dắt bộ, đi tìm quán sửa xe để vá. Lúc đó muộn rồi, chủ quán không nhận nữa. Tôi phải xin họ bơm xe cho chạy đỡ.
Bơm lần đó, tôi chạy được về đến Cầu Hang – đường Phan Văn Trị. Tôi phải tìm chỗ bơm mới đi được. Đến chợ Hạnh Thông Tây – tôi phải vào xin bơm nhờ chỗ bán hàng đêm rồi mới về nhà thành công. Lúc đó tôi ở phường 9, Gò Vấp . Tới nhà đã hơn gần 12h đêm. Tôi vừa bực, vừa mệt, vừa đói, nhưng mồ mồ hôi vã như tắm giữa cái lạnh sương khuya.
Sáng mai, tôi bơm xe, chạy lòng vòng ra đường Quang Trung tìm chỗ sửa. Tôi ghé vào quán ven đường cần Chợ Cầu. May hôm đó, các thợ đang sửa dở xe khác. Tôi được chủ tiệm là chú Dũng trực tiếp sửa. Móc ruột ra, chú kêu tôi lại nói liền.
– Mi bị dính phải ruột đểu rồi.
Tôi ngơ ngác, chưa biết thế nào là ruột đểu. Chú thấy vậy liền giải thích cặn kẽ.
– Đây là ruột cũ, các ve chai thu gon về rồi tái chế, đóng gói bán lại. Nếu hên, khách mua được ruột xe tốt, đi được một thời gian. Còn xuôi giống mi thì dính phải ruột lủng ngầm. Ruột bị thủng lớn, thủng nhiều chỗ, tái chế kiểu gì cũng nhanh hư. Hôm qua, mi chịu khó bơm để chạy. Chứ không, giờ hư luôn cái vỏ xe.
Lúc này, tôi thấy chú kêu mi – xưng chú mà thấy thân thiện. Có vẻ chú thấy tôi ngang ngang tuổi con chú nên gọi thế. Dân miền Nam không câu nệ như dân Bắc. Tôi như đứa con nhỏ đang được chỉ bảo kiến thức cuộc sống. Cảm động thiết tha.
BẢNG XẾP HẠNG VÀ GIÁ CẢ RUỘT XE
Vậy là tôi phải thay cái ruột mới. Chú hỏi tôi:
– Cháu muốn thay loại ruột nào?
Tôi lại ngơ ngác:
– Ruột xe có nhiều loại vậy à chú?
Thật là câu hỏi của kẻ gà mờ. Nhưng có vẻ chú cảm nhận được sự chân thành trong lời nói. Chú kéo mấy ruột xe cũ bên cạnh lại giải thích:
– Ruột xe có mấy loại lận. Tốt nhất là loại ruột chỉ đỏ. Tốt nhì là ruột chỉ vàng. Trung bình là ruột chỉ trắng. Dở nhất là loại không có chỉ như cái của cháu này. Gần đây thêm loại ruột chỉ xanh, loại kém hay gần tương đương với chỉ trắng.
Tôi giật mình.
– Hôm qua cháu thay cái ruột này mất 70 ngàn đó. Các loại chỉ khác có đắt lắm không chú?
– Vậy mi bị làm đắt quá rồi.
…..
– Biết giá và biết yêu cầu thì được đồ rẻ và tốt:
+ Loại tái chế, không chỉ này, mua chỉ có 17 đến 19 ngàn thôi.
+ Loại chỉ xanh, giá chừng 22 – 25 ngàn tùy từng nơi.
+ Loại chỉ trắng, khoảng 30 – 32 ngàn.
+ Chỉ vàng chừng khoảng 42 ngàn.
+ Chỉ đỏ chừng khoảng 45 – 47 ngàn.
Thông thường tiệm lấy công thay 20 ngàn nữa. Cộng với giá gốc sẽ tính ra tiền thay ruột.
Ôi cha mẹ ôi. Vậy là tôi bị luộc nhiều rồi. Lâu nay thay xe, tôi thấy các ruột thường không chỉ hay chỉ xanh. Vậy mà họ cứ bảo là chỉ tốt.
– Lúc cháu thay, họ bảo là của hãng Casumina, tốt nhất chú.
– Thì thợ nào chả nói thế. Ở trong nước, ruột xe của hãng casumina phố biến nhất. Nhưng cũng hãn casumina cũng có nhiều loại với chất lượng khác nhau. Bình thường, các chủ xe không biết phân biệt ruột xe nên phó mặc cho tiệm. Các thợ sữa muốn ăn gian thì hay dùng loại không chỉ hay chỉ xanh để có thời lời. Mi biết, yêu cầu chỉ đỏ, chỉ vàng mới thay được đồ tốt.
….
Thấy mi hỏi nhiều vậy, chắc thay loại ruột chỉ đỏ tốt nhất nhỉ? Mi chờ tí, để chú lấy mẫu cho coi.
Nói rồi, chú lên gác, ôm mấy loại ruột xuống, vừa chỉ vừa giải thích.
– Ruột tái chế – cũng in chữ casumina – đóng túi bóng thường mỏng, trong bèo nhèo vì gia công bên ngoài.
– Ruột chỉ xanh – cũng đóng trong túi nhưng dày hơn, cẩn thận hơn. Đây mới là sản phẩm của hãng sản xuất – loại thấp nhất.
– Ruột chỉ trắng – cũng trong túi bóng, nhưng có đóng hộp, vỏ màu trắng.
– Ruột chỉ vàng, có đóng hộp màu vàng
– Ruột chỉ đỏ – đóng hộp màu đỏ.
Mi ghi nhớ. Sau đi đường có lủng xe, biết loại mà yêu cầu, biết giá cả mà nói chuyện với họ.
Vậy là hôm đó, tôi biết được bảng xếp hạng và giá cả của các loại ruột. Tối qua khổ sở ra sao, bây giờ thu lại được bài học giá trị và ý nghĩa.
CHỈ BÍ KÍP CHO KHÁCH HÀNG LÀ NGU HAY KHÔN?
Có nhiều người nghĩ = chỉ dẫn cho khách hàng là vẽ đường cho hươu chạy. Dốc hết ruột gan ra chỉ dẫn bí kíp cho khách là ngu. Ban đầu, tôi cũng nghĩ như vậy. Nghe chuyện, tôi nghĩ mình như được món hời. Cho đến khi áp dụng ra thực tế mới thấy có hiểu biết mới biết cách chọn và lách các chiêu của “giang hồ hiểm ác”.
Có những lần tôi chạy xe xa nhà ở Bình Dương, Đồng Nai ,, bị thủng xăm tôi phải thay ruột dọc đường. Tôi hỏi thay loại ruột nào, thì họ nói chung chung là “ruột casumina – loại tốt nhất”. Tôi hỏi vặn lại. Cùng hãng casumina, nhưng là ruột xe chỉ gì?
Hỏi câu này, thợ sửa xe có vẻ giật mình. “Mẹ cha thằng này có vẻ biết tí rồi đây”. Họ đành nói là chỉ xanh và chỉ trắng. Tôi bảo mình muốn thay loại chỉ đỏ. Lúc này, thái độ thợ phản ứng rất chi là….“zui”.
Tử tế nhất là chủ tiệm bảo không có sẵn loại chỉ đỏ và vàng. Chỉ có loại trắng. Nếu anh ưng thì thay. Nghe vậy, tôi chịu làm vì họ có vẻ thật. Dù có khi họ tăng giá từ 70k lên đến 85k. Giữa đường, không so đo về, giá. Ít ra, tôi cũng được dùng loại trung bình.
Có tiệm thì nghe tôi yêu cầu liền chống chế. Họ bảo chỉ xanh là tốt nhất rồi. Anh đi các quán nào cũng vậy, không có loại nào tốt hơn đâu. Vâng. Em biết rồi anh hai. Quán dọc đường gần như chỗ nào cũng vậy cả. Nên em xin phép về nhà sữa đúng chỗ quen cho lành.
Có chủ tiệm thấy tôi vào hỏi đồ tốt liền sựng cồ lên chửi: Xe rách mà đòi dùng hàng tốt? “Vâng thưa cụ ngoại. Con đi xe wave tàu thật. Nhưng chẳng nhẽ xe xấu không được dùng tốt sao? Vì cụ khó thương quá nên con đi đúng hãng hay chạy về sửa cho lành. Ít ra con biết mình không bị luộc, cũng không bị bắt nạt. Bye bye không hẹn ngày gặp lại.”
VẼ ĐƯỜNG CHO HƯƠU CHẠY – có ngu không? Chắc nhiều người kinh doanh kiểu để khách khù khờ, chủ muốn vặt lông kiểu gì thì vặt, muốn luộc hay hấp gì thì tùy lòng “nhân từ” qua tình huống éo le hay khả năng chi tiền. Nhưng họ đâu biết là khách chỉ làm vì tình thế ép buộc và thường ít khi quay lại.
Suốt 4 năm ở Gò Vấp, Đa phần việc sửa xe của tôi là ở tiệm của chú Dũng đã chỉ dẫn tôi bữa đầu. Mỗi lần sữa, chú kiểm tra thêm các lỗi, chỉ nguyên nhân cho tôi vì sao bị vậy. Nếu cảm thấy tôi có thể sửa được liền, thì chú sữa. Còn thấy tôi chưa sẵn sàng tiền bạc, chú sửa tạm, gia cố để tôi đi cho yên tâm một thời gian. Mỗi lần ra tiệm của chú sửa một lỗi, tôi lại được chỉ dẫn và sẵn sàng chỉ tiền đến mấy việc.
Những lúc đó, tôi cảm thấy việc sửa chữa nơi này thấy xứng đáng và chi tiền đúng mục đích – không hề tiếc.
Cuộc sống có hai loại mua hàng. Đó là mua chủ động ở mối ruột và mua nhanh ở lúc tình thế cần thiết. Người ta chỉ mua ở mối ruột khi chỗ ấy tiện dụng và tin tưởng. Còn chỗ tình thế, một là gắng mua, gắng làm cho có. Kiểu như kiểu cơm hàng cháo chợ, đói phải ăn, khát phải uống, lủng xe phải bơm vá. Nhưng nếu gắng gượng được, người ta sẽ cố gắng nhẫn nhịn, thối lui. Vì ai cũng muốn chủ động và thoải mái.
Nếu chỉ dẫn cho khách hàng biết vấn đề, biết cái nào cần chi bao nhiêu tiền và đáng giá trị của nó thì được uy tín và niềm tin lâu dài. Lúc đó, tiền sẽ về nhiều, đều và lâu dài. Còn gì sướng hơn khi để khách hàng chi tiền mà sáng khoái. Đó là cái NGU ĐẲNG CẤP